Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Một trong các loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi, lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, chính là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thiệt hại ở đây được xác định là gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác. Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự. Dù vậy, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều quan điểm khác nhau về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhận thức được điều này, Luật Dương Gia viết bài viết này nhằm giúp bạn đọc có những nhận thức đúng đắn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể, bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.  Tiếp cận dưới góc độ khoa học pháp lý, chúng ta thấy rằng, mỗi người sống trong xã hội đều phải tôn trọng quy tắc chung của xã hội, không thể vì lợi ích của mình mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác thì chính người đó phải chịu bất lợi do hành vi của mình gây ra. Sự gánh chịu một hậu quả bất lợi bằng việc bù đắp tổn thất cho người khác được hiểu là bồi thường thiệt hại.

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Minh Oanh – giảng viên khoa pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự mà theo đó thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra”.
Theo tác giả Đỗ Chinh: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra”.

Quan điểm khác lại cho rằng: “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác. Trong đó, bên vi phạm và gây thiệt hại có nghĩa vụ bù đắp toàn bộ thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu”.

Trong khoa học Luật Dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu “Là một bộ phận hợp thành của chế định trách nhiệm dân sự; là quan hệ pháp luật dân sự phát sinh giữa chủ thể gây thiệt hại và chủ thể bị thiệt hại; là biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với chủ thể có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho chủ thể khác”.

Qua những quan điểm trên, tác giả cũng đưa ra khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự phát sinh khi một người có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

2. Xác định thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện hoạt động xác định thiệt hại.

Trong BLDS năm 2015, không có điều luật quy định cụ thể về chủ thể xác định thiệt hại. Thực tế cho thấy việc xác định thiệt hại có thể do (1)chính người bị thiệt hại thực hiện;(2) do cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động giám định thực hiện theo yêu cầu của người bị thiệt hại, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan; (3) do người có quyền và lợi ích liên quan đến người bị thiệt hại; hoặc (4) Tòa án tiến hành. Điều này có thể dẫn đến việc xác định thiệt hại trong một số trường hợp không thống nhất, còn chồng chéo và gây kéo dài thời gian xác định thiệt hại, chưa kể tới chi phí sẽ tăng lên. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, việc xác định thiệt hại cần được tiến hành bởi chủ thể có khả năng,trình độ cũng như đảm bảo tính khách quan khi xác định thiệt hại, trên cơ sở phân tích, đánh giá thiệt hại thực tế.

Thứ hai, nguyên tắc xác định thiệt hại bồi thường.

Trên cơ sở nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585, BLDS năm 2015 thì việc xác định thiệt hại phải dựa trên các nguyên tắc sau:

(1) Thiệt hại thực tế phải được xác định toàn bộ và kịp thời. Thực chất, khoản 1, Điều 585 quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.” đây là nội dung nguyên tắc bồi thường thiệt hại nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quy định này gián tiếp khẳng định nguyên tắc xác định thiệt hại trong các vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì chỉ khi thiệt hại được xác định kịp thời, toàn bộ thì việc bồi thường mới được thực hiện đúng nguyên tắc. Do đó, đây được xem là nguyên tắc chủ đạo của hoạt động xác định thiệt hại trong các vụ án. Thiệt hại trong các vụ án phải được xác định kịp thời được hiểu việc xác định thời hạn tính thiệt hại trong các vụ án phải thực sự cẩn trọng, chính xác để đảm bảo tính khách quan, công bằng, trung thực và nhanh chóng khắc phục sự tổn thất cho người bị thiệt hại.

(2) Việc xác định thiệt hại phải chú ý đến các căn cứ giảm mức thiệt hại phải bồi thường: Theo quy định tại khoản 2, điều 585, BLDS năm 2015:

“2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”

Đây cũng là quy định về nguyên tắc cơ bản của hoạt động bồi thường thiệt hại nhưng cũng được xem là yếu tố cơ bản mà chủ thể xác định thiệt hại trong các vụ án cần phải tuân theo.

(3) Việc xác định thiệt hại phải bồi thường phải tính đến trường hợp mức thiệt hại được bồi thường có thể thay đổi:

Theo quy định tại khoàn 3, điều 585, BLDS năm 2015:

“Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”

Ngoài BLDS năm 2015, nội dung của ba nguyên tắc xác định thiệt hại trên còn được hướng dẫn tại tiểu mục 2, mục I Nghị quyết số 3/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Thứ ba, về thời điểm xác định thiệt hại được bồi thường

Việc xác định thiệt hại nói chung và thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng chí có thể đảm bảo được tính chính xác, công bằng, trung thực khi pháp luật quy định thống nhất về cách thức tính thiệt hại, thời điểm tính thiệt hại, phương thức xác định thiệt hại.. .Trong đó thời điểm tính thiệt hại là mốc thời gian chủ thể xác định thiệt hại (thông thường là Tòa án) sử dụng để tính toán tổn thất đã phát sinh. Thời hạn tính thiệt hại là khoảng thời gian được xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc việc xác định thiệt hại đã phát sinh.

BLDS năm 2015 không có quy định trực tiếp về thời điểm xác định thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2, điều 22, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 2017: “Giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 43 của Luật này hoặc tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 và Điều 55 của Luật này. Trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này thì giá trị thiệt hại vẫn được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường trước đó.”. Và khoản 3, điều luật này quy định: “Khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 23, Điều 24, các khoản 1, 2 và 3 Điều 25, các khoản 1, 2, 3 và điểm a khoản 4 Điều 26, khoản 3 Điều 27 của Luật này được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó.” Quy định về thời hạn xác định thiệt hại đối với từng thiệt hại trong Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước năm 2017 được hướng dẫn cụ thể, chi tiết tại Điều 3 cho đến Điều 12, Nghị định 68/2018/NĐ-CP, theo đó: Thời hạn xác định thiệt hại được bồi thường nói chung và thời hạn xác định thiệt hại trong các vụ án nói riêng được tính từ thời điểm thiệt hại thực tế phát sinh cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó.

Thứ tư, về cơ sở xác định mức thiệt hại phải bồi thường và căn cứ giảm mức thiệt hại được bồi thường.

BLDS năm 2015 quy định căn cứ xác định thiệt hại dựa trên hai công thức.

Một là, định lượng những thiệt hại vật chất dựa trên số lượng thiệt hại thực tế đã xảy ra do hành vi đã gây tổn thất cho những khách thể đã được luật chỉ định bảo vệ, cụ thể là: tính mạng, sức , tại các điều luật như điều 589; khoản 1, điều 590;

Hai là, định lượng những thiệt hại tinh thần bị xâm phạm trong trường hợp các bên không đạt được sự thỏa thuận. Ví dụ: Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể được pháp luật bảo vệ thì ngoài mức bồi thường để khắc phục thiệt hại, người vi phạm pháp luật còn phải bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại.

Theo quy định của khoản 2, điều 585, BLDS năm 2015, thiệt hại nói chung và thiệt hại do hành vi gây ra nói riêng có thể được giảm mức bồi thường khi xuất hiện các điều kiện sau:

“2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”

Như vậy: Theo quy định này nếu người thực hiện hành vi trái pháp luật chứng minh được mình không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại mà hành vi vi phạm pháp luật của họ gây ra quá lớn so với khả năng kinh tế của họ thì những chủ thể này có thể được giảm mức bồi thường. Đứng ở góc độ của chủ thể xác định thiệt hại, trong quá trình xác định những thiệt hại và định lượng mức thiệt hại phải bồi thường, chủ thể này (thường là Tòa án) cần xem xét cả hai yếu tố: (1) là lỗi của người thực hiện hành vi ; (2) khả năng kinh tế của chủ thể này để xem xét mức bồi thường cho thỏa đáng.

Thứ năm, về các trường hợp loại trừ việc xác định thiệt hại

BLDS quy định các trường hợp người thực hiện hành vi gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại. Quy định này đồng nghĩa với việc, mặc dù đã phát sinh thiệt hại trên thực tế, nhưng việc xác định thiệt hại không cần phải đặt ra, do: (1) sự kiện bất khả kháng; (2) thiệt hại xảy ra do lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, đây chỉ là căn cứ loại trừ việc xác định thiệt hại được bồi thường do trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phát sinh, nhưng việc định lượng thiệt hại để tìm cách tự khắc phục vẫn sẽ được đặt ra.

Thứ sáu, quy định pháp luật về cách tính thiệt hại cụ thể

Theo quy định của BLDS năm 2015 có bốn loại thiệt hại được bồi thường bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Tương ứng với mỗi loại thiệt hại, BLDS năm 2015 quy định về các loại thiệt hại được bồi thường. Bộ luật dân sự Nhật Bản cũng có ghi nhận thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

(1) Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Điều 589, BLDS năm 2015 quy định những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm bao gồm hai loại là thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp.

Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại được xác định cụ thể, định giá được thành tiền khi tài sản bị hành vi xâm phạm (thông thường những thiệt hại này được xác định là giá trị của tài sản bị xâm phạm). Trong các vụ án thiệt hại trực tiếp là những giá trị tài sản bị mất, bị thâm hụt, bị chiếm đoạt. Thiệt hại trực tiếp là những giá trị tài sản có thể được tính toán ngay bằng các công cụ đo lường. Theo quy định của BLDS năm 2015, những thiệt hại đó bao gồm: (1) Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; (2) Chi phí ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; (3) Thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Điểm mới trong quy định về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 đó là: BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về “thiệt hại khác do luật quy định”. Quy định này được giới chuyên môn đánh giá là hợp lý bởi “khi tài sản bị xâm phạm có thể chủ sở hữu sẽ mất đi những lợi ích khác mà lẽ ra họ sẽ được hưởng” . Trong các vụ án, thiệt hại khác do pháp luật quy định khi tài sản bị xâm phạm vẫn đang là một ẩn số vì thực chất chưa có văn bản pháp luật nào quy định thiệt hại khác do pháp luật quy định là gì, theo chúng tôi đó có thể là những quan hệ khách hàng bị mất do tài sản bị xâm phạm; cũng có thể là sự tín nhiệm của cơ quan, tổ chức, pháp nhân bị mất cùng với sự sụt giảm của tài sản…

(2) Xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Cũng giống như thiết kế của BLDS năm 2005, điều 590, BLDS năm 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm những thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật nói chung là những mất mát, giảm sút có thể tính toán bằng tiền. Theo quy định của pháp luật, chỉ những thiệt hại thực tế mới được bồi thường. Những thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm trong các vụ án bao gồm: (1) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe người bị thiệt hại; (2) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại và người chăm sóc; thiệt hại khác do pháp luật quy định. Ví dụ cụ thể cho thiệt hại về vật chất như: tiền viện phí, tiền tiền thuốc, chi phí di chuyển khi khám chữa bệnh của người bị thiệt hại.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn gây ra những thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại và người thân người bị thiệt hại. Thiệt hại về mặt tinh thần là một khái niệm trừu tượng khó xác định chính xác, bởi khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại và người thân của những người này thường rơi vào trạng thái đau buồn, khổ sở, thường xuyên xuất hiện suy nghĩ tiêu cực.. .những thiệt hại này không dễ dàng tính toán được thành tiền. Do đó, BLDS năm 2015 quy định: mức thiệt hại sẽ được xác định theo sự thỏa thuận của các bên, nếu bên không đạt được sự thỏa thuận, Tòa án sẽ chỉ định nhưng không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.

Điểm mới của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 về xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm nói chung, do sức khỏe bị xâm phạm trong các vụ án nói riêng:

– BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định tại điểm d, khoản 1, điều 590 về “thiệt hại khác do pháp luật quy định”. Chúng tôi cho rằng, sự bổ sung mới này là hợp lý. Hành vi có thể thiệt hại đến sức khỏe người bị thiệt hại, bên cạnh những thiệt hại do cá nhân người bị xâm phạm phải gánh chịu đã được liệt kê tại điểm a,b,c khoản 1 điều 590, BLDS năm 2015 còn có những lợi ích hợp pháp khác có thể bị xâm phạm, ví dụ như: điểm g, khoản 2, điều 353, BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định, hành vi tham ô tài sản cũng có thể là nguyên nhân gây “ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cơ quan, tổ chức”, làm ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt, lối sống tích cực hàng ngày, hạnh phúc gia đình của người bị thiệt hại.. .những thiệt hại này đáng được pháp luật bảo vệ.

– BLDS năm 2015 quy định mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận thì mức bù đắp tổn thất không quá 50 lần mức lương cơ sở. Trước đây, BLDS năm 2005 sử dụng mức lương tối thiểu làm căn cứ để xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần, hiện nay BLDS năm 2015 sử dụng “tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Sự thay đổi này là phù hợp vì mức lương tối thiểu được quy định ở các vùng miền khác nhau là khác nhau trong khi lương cơ sở là giống nhau . Việc thay đổi quy định về đơn vị xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần nhằm thống nhất định mức tính và tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho những người bị thiệt hại do hành vi gây ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh việc thay đổi đơn vị gốc xác định mức bồi thường, thì BLDS năm 2015 cũng đã tăng định mức tối đa khi các bên không đạt được sự thỏa thuận từ 30 tháng lương tối thiểu lên 50 lần tháng lương cơ sở. Sự thay đổi này cũng được xem là phù hợp vì mức tối đa của BLDS năm 2005 được xem là thấp, không đảm bảo được tính răn đe người vi phạm và không bù đắp được cho người bị thiệt hại. Mục đích của nhà làm luật khi tăng định mức bồi thường là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, đồng thời tăng tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi nói riêng.

– Xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Điều 591 BLDS năm 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm các chi phí cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho người thân người bị thiệt hại; khoản tiền bù đắp tinh thần cho người thân người bị thiệt hại. Những thiệt hại này cũng có thể được phân thành hai nhóm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Thiệt hại về vật chất do tính mạng bị xâm phạm bởi hành vi là những mất mát, giảm sút giá trị có thể tính toán được bằng tiền hoặc bất kỳ công cụ đo lường nào. Những thiệt hại này bao gồm: (1) Chi phí cứu chữa, chăm sóc cho người bị thiệt hại trước khi chết theo quy định tại điều 591, BLDS năm 2015; (2) Chi phí hợp lý cho việc mai táng. Ví dụ: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa.. .Người gây thiệt hại sẽ không phải bồi thường những khoản cho chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ theo quy định tại tiểu mục 2.2, mục 2, phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày ngày 08 tháng 7 năm 2006, Nghị quyết của Hội đồng thầm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; (3) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Những khoản tiền cấp dưỡng được người thực hiện hành vi phải bồi thường cho người thân người bị thiệt hại là những khoản tiền mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi chết người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng; (4) Thiệt hại khác do pháp luật quy định, tuy nhiên thời điểm hiện tại, chưa có văn bản nào quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về loại thiệt hại này.

Thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm bởi hành vi là khoản tiền mà người chịu trách nhiệm bồi thường phải bù đắp tổn thất tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, trường hợp không có người này thì bồi thường cho người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại trước khi người bị thiệt hại chết hoặc người mà người bị thiệt hại trước khi chết đang nuôi dưỡng. Mức bù đắp tổn thất do các bên thỏa thuận, nếu không đạt được sự thỏa thuận thống nhất, Tòa án sẽ áp dụng mức bù đắp tổn thất nhưng không vượt quá một trăm (100) lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

3. Điểm mới của BLDS năm 2015 trong quy định về việc xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật

– Cũng giống như quy định về xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm tại điều 590, điều 591, BLDS năm 2015 cũng bổ sung quy định về thiệt hại khác do pháp luật quy định cũng sẽ được bồi thường khi tính mạng của một người bị xâm phạm bởi hành vi. Quy định này được đánh giá là phù hợp, có tính bao quát cho những thiệt hại mới phát sinh mà tại thời điểm ban hành BLDS năm 2015 nhà làm luật chưa dự báo hết. Những thiệt hại khác này sẽ được quy định hoặc hướng dẫn bởi những văn bản pháp luật khác. Đó thường là những thiệt hại gián tiếp do hành vi gây thiệt hại về tính mạng cho người bị thiệt hại, thông thường là một số lợi ích hợp pháp người này đáng ra được hưởng nhưng không nhận được, ví dụ như người bị thiệt hại là người có tài năng, có sự đóng góp rất lớn cho xã hội, đóng vai trò quan trọng trong gia đình, chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ…

– BLDS năm 2015 đã tăng định lượng xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần từ sáu “mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”  lên “một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định” và áp dụng cho mỗi người có tính mạng bị xâm phạm.

Theo đánh giá của chuyên gia những thay đổi này là hợp lý bởi những quy định mới này đã giải quyết được mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Đó là trường hợp nhiều người bị thiệt hại nhưng chỉ có một người thân thích, khi tiến hành giải quyết giữa các chủ thể có thẩm quyền xuất hiện nhiều phương án xét xử khách nhau trong việc xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần rằng chỉ tính một lần với tất cả những người bị xâm phạm hay tính riêng với từng người .

– Xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Hành vi có thể là nguyên nhân gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho những chủ thể khác. Người bị thiệt hại có thể là bất kỳ cá nhân, pháp nhân nào và cả Nhà nước. Điều 592, BLDS năm 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tin bị xâm phạm được xác định bao gồm:

Thiệt hại về vật chất bao gồm: (1) Chi phí hợp lý cho việc khắc phục thiệt hại như chi phí cho việc yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, chi phí cải chính.; (2) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại: đó là trường hợp trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm có những thu nhập nhất định nhưng do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm những khoản thu nhập thực tế này bị mất hoặc bị giảm sút; (3) Thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Thiệt hại về tinh thần là khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần mà người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Mức bù đăp có thể do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận, Tòa án sẽ chỉ định nhưng không vượt quá “mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Điểm mới của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 trong quy định về xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm do hành vi: Cũng giống như các trường hợp xác định thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm, BLDS năm 2015 có quy định mới về “thiệt hại khác do pháp luật quy định” và thay đổi đơn vị định lượng mức bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại từ “lương tối thiểu” sang “lương cơ sở” nhưng không thay đổi định mức tính.

Nhìn chung, quy định về xác định thiệt hại của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Cụ thể:

(1) BLDS năm 2015 bổ sung thiệt hại được bồi thường có thể là “thiệt hại khác do pháp luật quy định”. Quy định này nhằm dự phòng trong thời gian tới sẽ có những văn bản pháp luật khác quy định về một loại thiệt hại mới, ví dụ như trong Luật Đầu tư, Luật Sơ hữu trí tuệ cũng đã có những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, quy định này chưa tạo ra sự chủ động cho chủ thể có chức năng xác định thiệt hại vì hiện tại có một số nhóm khách thể chắc chắn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do hành vi gây ra nhưng không chắc chắn có được coi là thiệt hại và được bồi thường. Ví dụ: lòng tin của nhân dân; các quan hệ khách hàng bị ảnh hưởng khi người điều hành doanh nghiệp bị kết án về hành vi .. .Do đó, các quy định của BLDS năm 2015 về những loại thiệt hại được bồi thường cần xác định rõ các dấu hiệu để xác định “thiệt hại khác do pháp luật quy định” ở đây không cần phải được hiểu một cách cứng nhắc là chỉ bao gồm những thiệt hại mà Luật khác phải chỉ định rõ mà chỉ cần đưa ra các dấu hiệu nhận diện thiệt hại để tạo sự chủ động cho hoạt động xác định thiệt hại được tiến hành một cách hiệu quả.

(2) BLDS năm 2015 tăng định mức tối đa về mức bù đắp tinh thần người chịu trách nhiệm bồi thường phải thực hiện khi thực hiện hành vi gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của chủ thể khác trong trường hợp các bên không đạt được sự thỏa thuận; Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại, tăng tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi nói riêng.

(3) BLDS năm 2015 thay đổi công cụ định mức bù đắp tổn thất tinh thẩn từ “tháng lương tối thiểu” sang “tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định”, nhằm xóa đi tính không thống nhất trong việc xác định mức bù đắp tổn thất tinh thân trong các địa bàn trên cả nước. Do lương tối thiểu ở các vùng khác nhau là khác nhau, nhưng lương cơ sở được Nhà nước quy định định mức chung cho tất cả các địa phương khác nhau.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon