Khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, việc xác định quan hệ cha con sẽ rất phức tạp. Thông thường, một trong những việc đầu tiên các bên có thể tiến hành đó là xét nghiệm ADN để tự chứng minh. Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết tranh chấp này phải thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đưa ra thực tiễn giải quyết việc xác định quan hệ cha con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Tố tụng dân sự;
1. Quyền yêu cầu, quyền khởi kiện xác định quan hệ cha – con
Theo quy định tại Điều 102 Luật HN&GĐ năm 2014, người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con bao gồm:
Cha, mẹ, con có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có quyền yêu cầu xác định con, cha, mẹ cho mình. Quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con là một quyền gắn liền với nhân thân của các đương sự, do họ tự mình quyết định và thực hiện.
Trong trường hợp xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì người có quyền yêu cầu xác định là cha, mẹ, con, người giám hộ; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ (khoản 3 Điều 102 Luật HN&GĐ năm 2014). Quyền này của các đương sự cũng được ghi nhận tại Điều 187 BLTTD. Những quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người không có khả năng tự mình thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
Pháp luật quy định người giám hộ có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ trong các trường hợp mà cha, mẹ, con không có đủ khả năng để tự mình khởi kiện yêu cầu xác định cha, mẹ, con cho mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì chưa xác định được mối quan hệ cha – con nên cũng không có cơ sở để xác định được tư cách của người giám hộ một cách đầy đủ và có căn cứ. Trong trường hợp người có yêu cầu xác định một người là con của mình (hoặc một người là cha của mình) mà người có yêu cầu chết thì theo qui định tại Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2014, những người thân thích của người có yêu cầu có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, con cho người yêu cầu đã chết.
2. Thực tiễn giải quyết việc xác định quan hệ cha và con tại Tòa án
Theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự, xác định quan hệ cha và con tại Tòa án được giải quyết qua hai trường hợp: yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha và tranh chấp về xác định cha cho con hoặc con cho cha. Thực tiễn giải quyết việc xác định quan hệ cha và con sẽ được phân tích, nghiên cứu qua các trường hợp cụ thể trong hai loại việc dân sự và vụ án dân sự theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự.
2.1. Giải quyết yêu cầu xác định quan hệ cha và con
Yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha theo qui định của BLTTDS là loại việc không có tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên trong việc xác định quan hệ cha – con mà chỉ là yêu cầu Tòa án xác nhận một sự kiện đã xảy ra trên thực tế là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ cha – con.
Những trường hợp yêu cầu xác định quan hệ cha – con này thường phát sinh từ ý chí tự nguyện của các bên đương sự, có sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên đương sự về tư cách làm cha, làm con đối với người được xác định. Đối với những trường hợp yêu cầu xác định quan hệ cha – con mà không có tranh chấp cũng có thể thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch theo qui định của pháp luật về hộ tịch. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như các bên đương sự trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu xác định cha – con khi không có tranh chấp, mâu thuẫn.
Đối với các yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha là loại việc dân sự, được thực hiện theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Theo qui định của pháp luật TTDS, việc dân sự là việc cá nhân tuy không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ pháp lý làm phát sinh quyền, nghĩa vụ hôn nhân và gia đình của mình hoặc cá nhân khác. Với mong muốn, nguyện vọng của mình, người yêu cầu có thể gửi đơn đến Tòa án yêu cầu xác định mình là cha của đứa con hoặc ngược lại, yêu cầu mình không phải là cha của người con. Từ phía người con cũng có quyền yêu cầu xác định một người đàn ông là cha hoặc không phải là cha của mình.
Khi xét thấy đơn yêu cầu được gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền, có đủ các điều kiện để thụ lý thì Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự và ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Trong thủ tục giải quyết yêu cầu xác định quan hệ cha – con, các tài liệu chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là kết quả giám định gen giữa hai bên có yêu cầu xác định quan hệ cha – con.
Yêu cầu xác định quan hệ cha – con trong thực tiễn xét xử tại Tòa án thể hiện qua các loại việc sau:
2.2. Xác định quan hệ cha – con khi người được yêu cầu xác định là cha hoặc là con đã chết
Việc yêu cầu xác định một người đã chết là cha hoặc là con là quyền gắn liền với nhân thân của cá nhân trong việc xác định quan hệ cha – con được pháp luật qui định và bảo đảm thực hiện. Việc yêu cầu xác định một người đã chết là cha hoặc là con là yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ của quan hệ cha – con giữa hai người. Việc xác định quan hệ cha – con khi một bên đã chết là quan hệ gắn liền với nhân thân của người còn sống, mà những người thân thích của người đã chết cũng như của người còn sống không có quyền thắc mắc hay phản đối, nên chỉ phụ thuộc vào ý chí, quyền tự quyết định của người yêu cầu còn sống. Do đó trong trường hợp xác định quan hệ cha – con không có tranh chấp, được xác định là việc dân sự.
Chị Mai Thị Tuyết T và anh Trương Hoài P chung sống với nhau vào năm 2019 và có một người con chung tên là Trương Hoàng P, sinh ngày 11/03/2021. Do chưa đăng ký kết hôn nên chị T và anh P chưa làm giấy khai sinh cho cháu P. Đến ngày 09/4/2021, anh P chết. Ngày 19/6/2021, gia đình đã tiến hành làm thủ tục xét nghiệm ADN tại Viện sinh học phân tử Loci giữa anh Trương Văn N là em trai ruột của anh Trương Hoài P và con trai chị T là Trương Hoàng P. Kết quả: “ADN từ mẫu Trương Văn N và AND từ mẫu Trương Hoàng P có cùng huyết thống dòng cha” theo kết quả xét nghiệm ADN ngày 19/6/2021. Chị Mai Thị Tuyết T yêu cầu Toà án xác định anh Trương Hoài P, sinh năm 1984 (đã chết) là cha đẻ của cháu Trương Hoàng P, sinh ngày 11/3/2021. Tòa án thành phố Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận đơn yêu cầu của chị Mai Thị Tuyết T về việc xác định cha cho con và xác định anh Trương Hoài P, sinh năm 1984 là cha đẻ của cháu Trương Hoàng P, sinh ngày 11/3/2021.78
Trong trường hợp xác định người đã chết là cha (hoặc là con) thường liên quan đến những người thân thích của người đã chết. Những người thân thích của người chết không có quyền phản đối về việc xác định quan hệ cha – con giữa người đã chết với người con sống, song việc xác định quan hệ cha – con này lại ảnh hưởng, chi phối nhất định đến các quyền và nghĩa vụ của họ, do đó trong thực tế xét xử Tòa án đưa họ vào loại việc này với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Yêu cầu xác định cha cho con của anh Lê Văn B sinh năm 1960 là một ví dụ. Năm 1968 mẹ đẻ anh B là bà Phạm Thị Ngọ có quan hệ với ông Trần Xuân Q và sinh ra anh. Lúc đó ông Q cũng đang có vợ con, mẹ anh cũng đang có hôn nhân với ông Lê Hồng Ph nên khi sinh ra anh đã đăng ký khai sinh cho anh B theo họ của ông Ph và lấy tên ông Ph là tên cha của anh trong giấy khai sinh. Ông Lê Hồng Ph đã chết năm 2005; ông Trần Xuân Q chết năm 2018; bà Ngọ nay đã già yếu, sau nhiều lần bị tai biến mạch máu não nên hiện không đi lại được và không còn minh mẫn. Khi còn minh mẫn, tỉnh táo bà Ngọ đã nói cho anh B biết việc anh B là con đẻ của ông Trần Xuân Q chứ không phải con đẻ của ông Lê Hồng Ph. Sau khi ông Q chết, các con của ông Q cũng như anh B đều có nguyện vọng là anh B tìm về đúng cội nguồn và mang đúng họ của mình. Để khẳng định anh B có đúng con của ông Q hay không, ông Trần Hồng Tuyến là con đẻ của ông Q và anh B đã đi giám định gen ADN. Tại bản kết quả phân tích ADN của Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền Gentis đã kết luận “Ông Trần Hồng Tuyến và anh Lê Anh B có quan hệ. Trong trường hợp này vì người được yêu cầu xác định là cha đã chết nên Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi người yêu cầu cư trú theo qui định tại điểm t khoản 2 Điều 39 BLTTDS. TAND huyện đã xác định ông Trần Xuân Q (đã chết) là đẻ của anh B.
2.3. Yêu cầu xác định cha cho con khi con đã có giấy khai sinh nhưng họ tên của người cha không đúng với thực tế quan hệ huyết thống
Trong các trường hợp này, người con đã được đăng ký khai sinh nhưng họ tên của người cha trong giấy khai sinh của người con không phù hợp với thực tế, không đúng với quan hệ huyết thống. Có trường hợp, vì những lý do nhất định, các bên thỏa thuận với nhau về người đứng tên trên giấy khai sinh của trẻ hoặc do người vợ có thai với người khác trong thời kỳ hôn nhân nên khi khai sinh cho con vẫn lấy họ tên người cha của đứa trẻ là họ tên của người chồng.
Anh Nguyễn Quang Ng cùng vợ cũ là chị Nguyễn Thị Lan Ph có sinh cháu Nguyễn Hữu Mộc M ngày 26/3/2016. Vì lý do sức khỏe và kinh tế của gia đình nên anh chị đã nhờ anh Lý Công Đ và chị Nguyễn Thị Thu H đứng tên làm bố mẹ trên giấy khai sinh của cháu Mộc M. Nay anh yêu cầu Tòa án xác định cháu Nguyễn Hữu Mộc M, sinh ngày 26/3/2016 là con đẻ của anh Ng. Anh Lý Công Đ và chị Nguyễn Thị Thu H cùng nhất trí ý kiến của anh Nguyễn Quang Ng và đề nghị Tòa án xác định cháu Nguyễn Hữu Mộc M là con đẻ của anh Nguyễn Quang N.
Căn cứ vào Kết luận giám định AND của Viện công nghệ AND và phân tích di truyền số: 02/2021/TC-ADN ngày 25/5/2021 kết luận “Nguyễn Quang Ng có quan hệ bố con với Nguyễn Hữu Mộc M, độ tin cậy 99,9999%”. Căn cứ vào Điều 89 Luật HN&GĐ năm 2014, TAND quận Ba Đình đã chấp nhận đơn yêu cầu xác định cha cho con của anh Nguyễn Quang Ng, tuyên bố anh Nguyễn Quang Ng là cha đẻ của cháu Nguyễn Hữu Mộc M, sinh ngày 26/3/2016 có số định danh cá nhân 001316024572.
Trong trường hợp này, các bên không có tranh chấp trong việc xác định quan hệ cha – con. Do sự thỏa thuận giữa các bên, cháu M đã được đăng ký khai sinh với họ tên cha mẹ trên giấy khai sinh không phù hợp với thực tế, không phù hợp với quan hệ huyết thống. Việc xác định quan hệ cha – con trong trường hợp này là công nhận sự kiện thực tế là cháu M là con anh Ng để anh có cơ sở pháp lý xác lập quan hệ cha – con với cháu M và cải chính lại giấy khai sinh của cháu M cho phù hợp với thực tế.
Trong trường hợp vợ chồng đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp, người vợ sinh con, con đã đăng ký khai sinh với họ tên bố là tên của người chồng, nhưng sau đó người chồng thấy đứa trẻ không giống mình nên đã yêu cầu xác định đứa trẻ không phải là con mình.
Theo qui định tại khoản 2 Điều 89 Luật HN&GĐ năm 2014 việc yêu cầu xác định người chồng không phải là cha của đứa trẻ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Đó là trường hợp xảy ra giữa anh Lê Thanh T và chị Trần Thị Ánh Tr. Hai anh chị đã đăng ký kết hôn năm 2013. Ngày 26/5/2018, chị Tr sinh cháu B và anh đã đăng ký khai sinh cho cháu với tên mẹ là chị Tr và tên cha là anh Lê Thanh T. Trong quá trình chăm sóc cháu B, anh T nghi ngờ cháu B không phải là con mình nên đã đưa cháu đi giám định gen. Kết quả phân tích AND đã kết luận cháu Lê Quốc B và anh không cùng huyết thống, vì vậy anh yêu cầu Tòa án xác định cháu B không phải là con anh.
Tòa án thành phố Qui Nhơn đã ra quyết định số 591/2021/QĐST-HNGĐ xác định cháu Lê Quốc B không phải là con của anh Lê Thanh T. Trong trường hợp này, sự việc cháu B không phải là con anh T rất rõ ràng, chị Tr cũng thừa nhận, kết luận giám định gen giữa anh T và cháu B càng củng cố sự thật khách quan về việc không có quan hệ huyết thống giữa anh T và cháu B, do đó thuộc loại việc dân sự, không có tranh chấp nhưng vì cháu B được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa anh T và chị Tr nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.