Tranh chấp tài sản chung của vợ chồng là công ty

tranh-chap-tai-san-chung-cua-vo-chong-la-cong-ty

Tranh chấp tài sản chung của vợ chồng là công ty là một trong những loại tài sản đặc thù, có thể xảy ra rất nhiều vấn đề khi có tranh chấp. Bài viết dưới đây sẽ khái quát sơ lược quy định của pháp luật về các loại hình doanh nghiệp, các trường hợp đưa tài sản chung vào kinh doanh, căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định theo pháp luật Hôn nhân và gia đình. Thêm vào đó, đưa ra những dạng tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi chia tài sản đang là tài sản nằm trong các loại hình doanh nghiệp.

1. Khái quát về các loại hình doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về thành lập, tổ chức quản lí và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có nét đặc thù riêng.

1.1. Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân được nhà nước thừa nhận thông qua việc nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp; mục đích là thường xuyên, liên tục thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu. Do đó, toàn bộ vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân đầu tư. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng kí vốn đầu tư và phải ghi chép đầy đủ toàn bộ vốn, tài sản, vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng mà tất cả vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, với bạn hàng, có quyền bán doanh nghiệp, cho thuê doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân; chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh, đó là trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, bao gồm tài sản đầu tư vào doanh nghiệp và tài sản không đầu tư vào doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp bị phá sản.

Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định từ thời điểm doanh nghiệp tư nhân được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và thời điểm bị áp dụng trách nhiệm vô hạn là thời điểm doanh nghiệp tư nhân bị tuyên bố phá sản. Tính chịu trách nhiệm vô hạn được thể hiện ở chỗ: bên cạnh tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào kinh doanh còn bao gồm khối tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh.

1.2. Công ty hợp danh

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty hợp danh là doanh nghiệp, có ít nhất hai thành viên cá nhân là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, gọi là thành viên hợp danh. Ngoài thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

Thành viên hợp danh là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ được thể hiện ở chỗ phải dùng tài sản đầu tư vào kinh doanh và toàn bộ tài sản khác nữa như chủ doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, do công ty hợp danh có ít nhất hai thành viên hợp danh nên các thành viên hợp danh phải cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn, khi một thành viên hợp danh nhân danh công ty hợp danh giao kết hợp đồng thì các thành viên hợp danh khác vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới từ hợp đồng đó. Trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh phát sinh sau trách nhiệm trả nợ của công ty, do công ty hợp danh có tài sản độc lập.

Khi công ty có khoản nợ cần thanh toán, công ty phải trả bằng tài sản của công ty. Nếu tài sản của công ty không đủ trả nợ, công ty bị giải thể hoặc phá sản để thanh toán các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản còn lại, trường hợp tài sản còn lại của công ty không đủ để trả nợ, thành viên hợp danh mới phải trả nợ thay cho công ty bằng tài sản của cá nhân.

Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản mà các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. Thành viên công ty hợp danh có thể góp vốn bằng tiền Viêt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kĩ thuật, các tài sản khác ghi trong điều lệ công ty. Nếu thành viên hợp danh không đóng đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết dẫn đến gây thiệt hại cho công ty thì thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Phần chưa đóng sẽ bị coi là khoản nợ đối với công ty.

1.3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có số lượng thành viên không quá 50 – chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân, có sự độc lập về tài sản. Đây là loại hình công ty nhiều khi mang tính chất gia đình. Nghĩa vụ về tài sản có sự khác biệt nhất định đó là công ty chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản trong phạm vi vốn đã góp vào công ty.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên – khi vợ chồng với tư cách là chủ sở hữu công ty thì việc xác định nghĩa vụ về tài sản tương tự như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

1.4. Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân và có quyền phát hành chứng khoán để huy động vốn.

Công ty cổ phần có nhiều nét tương đồng so với công ty trách nhiệm hữu hạn.

Vợ, chồng có thể thành lập doanh nghiệp từ trước khi kết hôn hoặc trong thời kì hôn nhân dùng tài sản riêng để thành lập doanh nghiệp.

2. Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng đối với tài sản là công ty

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng bao gồm: Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập từ lao động của vợ chồng, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của vợ chồng, thu nhập hợp pháp khác, hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, từ tài sản riêng, tài sản mà vợ chồng được tặng cho, thừa kế, tài sản mà vợ chồng được chuyển nhượng, chuyển quyền sở hữu, tài sản mà vợ chồng được chia trong thời kì hôn nhân, tài sản hình thành trong tương lai…

Theo luật định, việc căn cứ nguồn gốc để xác định là tài sản chung hay tài sản riêng là bất di bất dịch mà không phụ thuộc vào ý chí của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng nhập tài sản riêng vào tài sản chung hay vợ chồng chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.

Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có hành lang pháp lý điều chỉnh những quan hệ về tài sản khi vợ chồng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các loại hình doanh nghiệp. Điều này là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Theo tác giả Bùi Minh Hồng, “chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật định cũng được hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo sự minh bạch trong các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng và tăng cường quyền tự chủ của vợ, chồng trong việc quản lí, định đoạt tài sản chung”.

Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vơ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thoả thuận khác hoặc luật này và các luật liên quan có quy định khác”; Điều 36 quy định thêm: “Trong trường hợp vợ chồng có thoả thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thoả thuận này phải lập thành văn bản”.

Như vậy, nếu vợ chồng kinh doanh chung và phát sinh lợi tức thì phần lợi tức đó là tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng có quyền sử dụng tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ về tài sản. Nếu hai vợ chồng kinh doanh chung nhưng trước khi vợ chồng tham gia các hoạt động kinh doanh, vợ chồng lại có thoả thuận khác thì tài sản thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là tài sản chung của vợ chồng95.

Thêm vào đó, Điều 38, Điều 40 quy định về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, đã xác định: trừ khi vợ chồng có thoả thuận khác, còn lại hoa lợi, lợi tức từ tài sản được chia là tài sản riêng. Đây được coi là một ngoại lệ khi xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Nhưng sau khi chia tài sản chung trơng thời kì hôn nhân mà vợ, chồng dùng tài sản được chia đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp thì phần hoa lợi, lợi tức từ tài sản này có thể chính là thu nhập do hoạt động sản xuất kinh doanh và được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Nghị định số 126/NĐ-CP/2014 ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đã hướng dẫn“Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng” (khoản 3 Điều 14).

Trên thực tế hầu như hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng nhưng cũng chính là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Điều này là không hoàn toàn thoả đáng và khó thực hiện đối với trường hợp vợ chồng đầu tư tài sản riêng vào các loại hình doanh nghiệp. Theo các tác giả Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ thì “về mặt nguyên tắc, chủ sở hữu là người có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản của mình… khi chủ sở hữu trực tiếp thực hiện quyền sở dụng tài sản của mình và tài sản đó tạo ra hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức này thuộc về chủ sở hữu”. Như vậy, xét ở góc độ dân sự thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản gốc sẽ thuộc sở hữu của người là chủ sở hữu tài sản gốc. Nhưng trong mối quan hệ vợ chồng, nhà làm luật lại dành quyền ưu tiên cho gia đình hơn nên đã đưa ra các quy định có tính các biệt. Do đó, Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng khi họ đầu tư tài sản vào các loại hình doanh nghiệp cần phải có ngoại lệ nhất định mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng, đảm bảo sự giao thương của các hoạt động kinh doanh, thương mại cũng như bảo vệ quyền lợi của người thứ ba là đối tác trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp.

Trong hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, có hai loại lợi ích vật chất, bao gồm:

1) tiền lương hàng tháng của những người là thành viên hội đồng thành viên, giám đốc và tổng giám đốc theo kết quả và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với tư cách là quản lý doanh nghiệp, khoản lợi ích vật chất này đương nhiên được coi là tài sản chung của vợ chồng;

2) lợi tức được chia hằng năm theo mức vốn mà vợ, chồng đóng góp vào doanh nghiệp. Khoản lợi tức này cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng ngay cả khi vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp và đăng kí kinh doanh không bắt buộc phải có văn bản thoả thuận về việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng để sản xuất, kinh doanh. Sự thoả thuận của vợ, chồng thường là thoả thuận miệng hoặc thậm chí một bên vợ, chồng tự ý dùng tài sản chung để thành lập doanh nghiệp mà bên kia không biết hoặc sau này biết và không có ý kiến gì. Trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, có thể vợ, chồng với tư cách là chủ doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư, góp thêm vốn vào công ty và phần vốn đó có thể là tài sản chung của vợ chồng, có thể là tài sản riêng của họ và khi đưa vào công ty thì nó trở thành tài sản của doanh nghiệp chứ không phải tài sản của gia đình.

Khi vợ hoặc chồng thành lập doanh nghiệp tư nhân, nếu vợ chồng thoả thuận cho một bên vợ hoặc chồng dùng tài sản chung vào thành lập doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh thì cũng xác định phần lợi tức phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh đó là tài sản chung. Nếu một bên vợ hoặc chồng do không thoả thuận được việc dùng tài sản chung để kinh doanh mà phải chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân để kinh doanh thì cần xác định phần lợi tức từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình. Điều này là không hợp lý đối với bên vợ hoặc chồng trực tiếp kinh doanh, Đối với công ty hợp danh, việc xác định tài sản chung, tài sản riêng cũng tương tự như trên.

Khi vợ chồng là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, lợi nhuận thu về là tài sản của doanh nghiệp, vợ, chồng là chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc đầu tư vào công ty sẽ được hưởng lương và các khoản thu nhập theo quy định chung của công ty. Nếu một bên vợ, chồng dùng tài sản riêng đầu tư kinh doanh thì trong trường hợp này, cũng xác định tương tự, nhưng rõ ràng là không hoàn toàn hợp lý. Nếu xác định tiền lương hàng tháng của vợ, chồng làn trong các doanh nghiệp là tài sản chung của vợ chồng. Lợi tức hằng năm mà người vợ, người chồng đó thu được, nên xác định là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp để khi họ tiếp tục tái đầu tư dễ dàng, thuận tiện hơn, không bị phụ thuộc vào sự thoả thuận của vợ chồng.

Khi vợ chồng ly hôn, pháp luật hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc chung để giải quyết, đó là dựa trên sự thoả thuận của vợ chồng, nếu không thoả thuận được thì áp dụng các nguyên tắc cụ thể theo luật định97. Về giải quyết tài sản khi vợ chồng đầu tư kinh doanh, Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”. Quy định này nhằm đản bảo quyền lợi cho bên vợ, chồng thực hiện hoạt động kinh doanh, bảo vệ sự giao thương, không gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của vợ chồng. Nhưng thực tế là vô cùng phức tạp và không thể kiểm soát được tài sản khi đưa vào kinh doanh.

Đặc biệt là vợ chồng được thành lập các loại hình công ty. Việc chi phối bởi pháp luật kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng đến việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Đây là vấn đề khá phức tạp, như tác giả Ngô Thị Hường với chuyên đề “Pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các thành viên gia đình trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, trong sách “Luật học Việt Nam những vấn đề đương đại, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp, Hà Nội,2019 có quan điểm cho rằng: “Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành quy định về sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng chưa có sự liên kết với Luật Doanh nghiệp nên chưa có quy định mang tính đặc thù là tài sản trong công ty. Nhiều trường hợp vợ chồng thành lập doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp là tài sản chung của vợ chồng. Trong quá trình hoạt động có thể cả vợ chồng cùng tham gia các vai trò khác nhau (giám đốc doanh nghiệp, kế toán trưởng…) hoặc có thể chỉ có một bên trực tiếp điều hành doanh nghiệp mà bên kia hoàn toàn không tham gia và cũng không giám sát được. Đối với trường hợp này, nếu vợ chồng li hôn thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng sẽ rất khó khăn”.

3. Nhận xét chung về tranh chấp về tài sản của vợ chồng là công ty

Trong thực tế xét xử ở các cấp toà án, việc tranh chấp về tài sản mà vợ  chồng đang đầu tư vào kinh doanh trong các loại hình doanh nghiệp là không nhiều nhưng lại phức tạp và kéo dài nhiều năm. Do việc xác định nguồn gốc tài sản đưa vào kinh doanh, các khoản nợ của công ty, tính pháp lý của các loại tài sản là khá khó khăn.

Nhiều vụ việc hai bên vợ chồng thành lập công ty kinh doanh chung hoặc  chỉ một bên vợ hoặc chồng kinh doanh còn người kia ở nhà nội trợ hoặc làm công chức, viên chức, làm công ăn lương nên khi ly hôn có tranh chấp về tài sản đưa vào kinh doanh và các bên hoặc một bên vợ chồng không trực tiếp kinh doanh không thể kiểm soát được tài sản đưa vào kinh doanh, không có bằng chứng chứng minh doanh thu thực tế của công ty để xác định tài sản chung để chia tài sản khi ly hôn. Khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, vợ chồng thường thoả thuận miệng hoặc không thoả thuận gì khi đưa tài sản chung vào kinh doanh. Do đó, khi ly hôn thường không thể xác định được cụ thể phần nào là tài sản chung của vợ chồng để chia.

Đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh thường không có giấy tờ bằng chứng nếu vay giữa các nhân với nhau, do đó, khi ly hôn vợ hoặc chồng còn lại không thừa nhận khoản vay đó nhưng phần lợi tức thu được từ việc kinh doanh lại muốn chia. Người trực tiếp vay để đầu tư kinh doanh muốn dùng tài sản chung để trả nợ, tài sản còn lại mới chia, hoặc họ muốn xác định lợi tức từ tài sản riêng đưa vào kinh doanh phải là tài sản riêng của họ. Loại tranh chấp này cũng khá phức tạp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon