Đặc điểm pháp lý của các quyền tài sản là đối tượng của biện pháp thế chấp

dac-diem-phap-ly-cua-quyen-tai-san-la-doi-tuong-cua-bien-phap-the-chap

Quyền tài sản là một loại tài sản vô hình đặc biệt được quy định trong các BLDS của Việt Nam[1]. Tuy nhiên, cho đến nay BLDS năm 2015 vẫn chưa thể xây dựng được khái niệm hoàn chỉnh về quyền tài sản. Việc sử dụng quyền tài sản để bảo đảm nghĩa vụ có rất nhiều ưu điểm so với tài sản hữu hình bởi vì giúp tránh được nguy cơ tài sản bị mất, bị phá hủy hay giảm giá trị. Hơn nữa các quyền tài sản có thể được lưu trữ và chuyển giao bằng các phương tiện điện tử mà không chịu hạn chế về mặt kích thước hay không cần phải chuyển giao về mặt vật chất. Chính vì vậy đây là một loại tài sản khá lý tưởng để bảo đảm khoản vay. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng các quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chưa thực sự phổ biến. Ngoài tâm lý “chuộng” những tài sản hữu hình, quy định của pháp luật hiện hành vừa thiếu vừa ít tính khả thi đang là rảo cản lớn cho việc xác lập và xử lý các hợp đồng thế chấp quyền tài sản.

Qua nghiên cứu, phân tích các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, trong nội dung của bài viết sẽ đưa ra các đặc điểm pháp lý cơ bản của quyền tài sản là đối tượng của hợp đồng thế chấp.

1. Quyền tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Theo đó: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, không đòi hỏi phải có sự chuyển giao trong giao dịch dân sự. Đối với quyền tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự phải đáp ứng được hai yêu cầu là trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao cho người khác trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng tài sản thuê, quyền trị giá bằng tiền, quyền thực hiện hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ. Những quyền tài sản khác gắn với nhân thân thì không được chuyển giao như quyền thừa kế, quyền cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.

Quyền tài sản bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền tài sản có thể được phân chia thành hai loại: quyền đối vật và quyền đối nhân. Quyền đối vật là quyền của chủ thể được tác động trực tiếp vào vật để thỏa mãn nhu cầu của mình như quyền sở hữu, quyền cầm cố, quyền thế chấp, quyền hưởng hoa lợi… Quyền đối nhân là quyền của chủ thể này đối với chủ thể khác. Quyền đối nhân được đáp ứng nếu bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền. Ví dụ quyền yêu cầu trả nợ, giao vật…

Quyền tài sản dịch sang tiếng Anh là: Right to property.

2. Quyền tài sản thế chấp phải thuộc sở hữu của bên thế chấp

Để mang quyền tài sản đi thế chấp, bên thế chấp phải là chủ sở hữu của quyền tài sản đó, bởi chỉ có chủ sở hữu mới có quyền dùng tài sản của mình thế chấp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác. Thông qua hợp đồng thế chấp quyền tài sản, bên thế chấp chuyển giao “quyền định đoạt có điều kiện”[2] cho bên nhận thế chấp trong thời hạn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đồng thời vẫn giữ lại quyền sử dụng quyền tài sản của mình. BLDS năm 2005 của Việt Nam[3] trước đây cũng như BLDS năm 2015 của Việt Nam hiện hành đều ghi nhận một nguyên tắc bất di bất dịch – tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp, bên thế chấp có thể dùng tài sản của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác trừ trường hợp cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu[4].

3. Quyền tài sản là đối tượng của biện pháp thế chấp phải có thể chuyển giao được cho chủ thể khác

Xuất phát từ bản chất của biện pháp thế chấp nhằm đảm bảo thực hiện cho nghĩa vụ của bên thế chấp đối với bên nhận thế chấp, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ, nếu không thể thoả thuận được về cách thức giải quyết, BLDS cho phép bên nhận thế chấp được xử lý tài sản thế chấp – “bán” tài sản thế chấp để khấu trừ cho nghĩa vụ bị vi phạm. Để có thể “bán” cho các chủ thể khác thông qua các giao dịch dân sự như mua bán, tặng cho… thì quyền tài sản là đối tượng của hợp đồng thế chấp phải có hai đặc trưng sau: 

Một là, quyền tài sản thế chấp không phải là quyền tài sản Luật cấm chuyển dịch quyền sở hữu, ví dụ: quyền đối với phần vốn góp vào doanh nghiệp giới hạn không được chuyển nhượng theo điều lệ công ty hoặc do luật Doanh nghiệp quy định;

Hai là, quyền tài sản thế chấp không phải là những quyền tài sản có gắn với yếu tố nhân thân (hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận, các quyền tài sản gắn với yếu tố nhân thân như: quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm… không thể chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự). Hiểu một cách đơn giản, yếu tố có thể chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự được hiểu là quyền tài sản đem thế chấp phải có thể “đem bán”, có thể dịch chuyển quyền sở hữu từ bên thế chấp sang bên nhận thế chấp hoặc cho người thứ ba để khấu trừ cho giá trị của nghĩa vụ mà quyền tài sản đó bảo đảm.

4. Quyền tài sản là đối tượng của hợp đồng thế chấp phải được xác định cụ thể trong hơp đồng thế chấp

Việc xác định chính xác tài sản thế chấp có vai trò rất lớn trong các hợp đồng thế chấp nói chung, đặc biệt là khi xử lý tài sản thế chấp. Nếu như trong những hợp đồng thế chấp có đối tượng là tài sản hữu hình, tính xác định được của tài sản thế chấp thể hiện ở chỗ các bên phải mô tả chính xác trong hợp đồng tài sản thế chấp là gì? Là động sản hay bất động sản? người đang thực tế chiếm hữu, quản lý tài sản? xác định giá trị của tài sản đó tại thời điểm xác lập hợp đồng hoặc phương thức xác định giá của tài sản khi cần xử lý tài sản thế chấp… thì trong những hợp đồng thế chấp quyền tài sản, các bên phải xác định chính xác chủ thể quyền tài sản là ai? chủ thể có nghĩa vụ đối với quyền tài sản đó (nếu đó là quyền yêu cầu trả thanh toán); những giấy tờ, văn bằng bảo hộ đã được đăng ký độc quyền (nếu đó là quyền sở hữu trí tuệ); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp (nếu đối tượng hợp đồng là quyền sử dụng đất); các giấy tờ pháp lý hợp pháp liên quan đến phần vốn góp trong doanh nghiệp (trường hợp thế chấp quyền góp vốn).

5. Quyền của bên nhận thế chấp xác lập trên quyền tài sản thế chấp không bị chấm dứt hoặc vô hiệu bởi các giao dịch được thiết lập sau đó liên quan đến quyền tài sản thế chấp[5]

Đồng quan điểm với PGS. TS Vũ Thị Hồng Yến, tác giả cho rằng pháp luật phải ghi nhận một cách rõ ràng quyền của bên nhận thế chấp đối với tài sản thế chấp kể từ khi giao dịch bảo đảm được xác lập hợp pháp. Quyền này đối kháng lại tất cả các quyền của các chủ thể khác xác lập lên tài sản bảo đảm sau đó. Đây là một nguyên tắc được thừa nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của bên nhận thế chấp. BLDS Pháp quy định: “Khi bất động sản được chuyển dịch cho người khác, việc thế chấp đã xác lập trên bất động sản đó vẫn tồn tại”[6]. Quy định này đã khẳng định quyền của bên nhận thế chấp, khi đã xác lập trên tài sản thế chấp thì bất kể lý do gì tài sản thế chấp được chuyển giao cho người thứ ba, quyền của bên nhận thế chấp vẫn được thừa nhận và được ưu tiên so với người thứ ba xác lập giao dịch liên quan đến tài sản thế chấp sau đó.

Việc thừa nhận nguyên tắc này từ đó làm cơ sở để xây dựng các quy định của pháp luật Việt nam về thế chấp tài sản sản nói chung hay thế chấp quyền tài sản nói riêng là điều hết sức hợp lý, bởi lẽ trong thời hạn thế chấp, xuất phát từ yếu tố chủ quan (người thế chấp cố tính tẩu tán tài sản khi không có khả năng thanh toán nghĩa vụ đến hạn) hoặc khách quan (tài sản bảo đảm phải được xử lý để thanh toán các khoản nợ đến hạn khi doanh nghiệp là bên thế chấp phá sản…) mà có nhiều giao dịch dân sự được xác lập trên tài sản thế chấp, việc xung đột lợi ích giữa các chủ thể là điều không thể tránh khỏi. Luật pháp với vai trò là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội phải có cơ chế rõ ràng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể.

6. Quyền tài sản thế chấp luôn tồn tại dưới dạng vật vô hình

Theo quy định của BDLS năm 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”[7]. Quyền tài sản là những quyền trị giá được thành tiền, khác với tài sản tồn tại dưới dạng vật (con người có thể nhận biết được qua các giác quan), các quyền tài sản luôn tồn tại dưới dạng vô hình, con người không thể nhận biết được thông qua các giác quan mà chỉ biết đến sự tồn tại của chúng thông qua các thông tin liên quan đến tài sản (các thông tin này có thể được đăng ký hoặc không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

7. Quyền tài sản thế chấp không phải là những quyền tài sản gắn liền với yếu tố nhân thân

Hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận, các quyền tài sản gắn với yếu tố nhân thân như: quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm… luôn luôn gắn liền với nhân thân của chủ thể quyền, không thể chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự.

[1] Quyền tài sản được quy định trong các BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015

[2] Về nguyên tắc, bên nhận thế chấp chỉ được lý tài sản bảo đảm khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm. Vì lẽ đó, quyền của bên nhận thế chấp đối với tài sản thế chấp được coi là quyền định đoạt có điều kiện.

[3] Xem Điều 320 BLDS năm 2005

[4] Xem khoản 1 Điều 295 BLDS năm 2015

[5] Vũ Thị Hồng Yến, “Tài sản thế chấp và sử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật Dân sự Việt Nam hiện hành”, luận án tiến sĩ luật học, trường Đại học Luật Hà Nội năm 2013.

[6] Xem Điều 2393 BLDS Pháp

[7] Xem khoản 1 Điều 105 BLDS năm 2015

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon