Phân biệt chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai

phan-biet-chiem-huu-lien-tuc-va-chiem-huu-cong-khai

Chiếm hữu là một trong những quyền thuộc quyền sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Quyền chiếm hữu được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Chiếm hữu được chia làm nhiều hình thức khác nhau như chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình; chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai. Vậy dưới góc độ pháp luật đâu là sự khác nhau khi phân loại quyền chiếm hữu? Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và phân biệt quyền chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai.

Cơ sở pháp lý:

1. Chiếm hữu liên tục, chiếm hữu công khai là gì?

Chiếm hữu là nắm giữ, quản lý tài sản. Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015, chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chủ thể ở đây có thể là chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản uỷ quyền, người có quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự hoặc được Nhà nước giao quyền thông qua một bản án hoặc quyết định có hiệu lực.

Việc chiếm hữu tài sản là trực tiếp quản lý, tác động vào tài sản theo ý của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của bản thân. Chủ thể có thể thực hiện việc chiếm hữu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

1.1. Chiếm hữu liên tục

Theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.”

Như vậy, có thể thấy trong một số trường hợp quy định này được áp dụng khi chủ sở hữu trao quyền chiếm hữu thực tế một cách tự nguyện.

1.2. Chiếm hữu công khai

Theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.”

Việc chiếm hữu công khai có ý nghĩa trong việc xác định và bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu, chủ thể khác có quyền sở hữu của người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục đối với tài sản.

2. Quy định pháp luật về chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai

2.1. Quy định về chiếm hữu liên tục

Chiếm hữu liên tục là cơ sở để xác lập quyền sở hữu của các chủ thể trong một số trường hợp luật định. Chủ thể chiếm hữu liên tục có thể thực hiện chiếm hữu trực tiếp hoặc chiếm hữu gián tiếp. Theo đó, chiếm hữu trực tiếp là việc chiếm hữu cả về mặt thực tế và về mặt pháp lý của một chủ thể đối với tài sản. Điều đó có nghĩa là chủ thể vừa thực hiện việc nắm giữ, chi phối tài sản trên thực tế vừa thực hiện chiếm hữu tài sản về mặt pháp lý. Ngược lại, chủ thể thực hiện việc chiếm hữu gián tiếp thì chỉ thực hiện chiếm hữu về mặt pháp lý, còn trên thực tế việc nắm giữ, chi phối tài sản thì giao cho chủ thể khác thực hiện.

Ví dụ: A đi siêu thị, A gửi xe cho người trông xe B ở bãi xe của siêu thị. Lúc này, về mặt pháp lý A vẫn là chủ sở hữu của chiếc xe trên, là người chiếm hữu về mặt pháp lý đối với tài sản này. Còn B mặc dù không là chủ sở hữu của chiếc xe trên nhưng được chủ sở hữu trao quyền tự nguyện trở thành người chiếm hữu về mặt thực tế đối với tài sản trên.

Tính liên tục của việc chiếm hữu được xác định căn cứ vào hai điều kiện sau:

  • Thứ nhất, việc chiếm hữu diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định
  • Thứ hai, trong khoảng thời gian này không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc nếu có thì tranh chấp đó chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tại Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác.

Tính liên tục sẽ không bị gián đoạn trong quá trình chiếm hữu của các chủ thể. Việc chiếm hữu không liên tục không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu được quy định tại Điều 184 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.

2. Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.

3. Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Như vậy, việc chiếm hữu không liên tục không được xác định là căn cứ để chứng minh là chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình.

2.2. Quy định về chiếm hữu công khai

Bên cạnh chiếm hữu liên tục, pháp luật dân sự còn quy định về chiếm hữu công khai. Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu một cách minh bạch, không có sự giấu diếm; đối với tài sản đang chiếm hữu thì có thể sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của mình.

Người thực hiện việc chiếm hữu công khai là chủ thể không phải chủ sở hữu của tài sản. Chủ thể này tiến hành chiếm hữu công khai nhằm để tất cả mọi người đều biết về việc họ đang chiếm hữu tài sản cũng như các tính năng, công dụng của tài sản.

Cũng giống như chiếm hữu không liên tục, việc chiếm hữu không công khai không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu được quy định tại Điều 184 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, hành vi chiếm hữu không công khai tài sản sẽ không được pháp luật bảo vệ, bởi nó không được xem là căn cứ để suy đoán là việc chiếm hữu là ngay tình. Chỉ khi người chiếm hữu công khai, ngay tình, liên tục trong khoảng thời gian luật định thì mới được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó.

3. Phân biệt chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai

Tiêu chí  Chiếm hữu liên tục Chiếm hữu công khai 
Căn cứ pháp lý Điều 182 Bộ luật Dân sự năm 2015 Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2015
Khái niệm Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu. Chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.
Hình thức thực hiện Có thể chiếm hữu trực tiếp hoặc gián tiếp.

Theo đó, chủ thể chiếm hữu trực tiếp là việc chiếm hữu cả về mặt thực tế và về mặt pháp lý của một chủ thể đối với tài sản. Điều đó có nghĩa là chủ thể vừa thực hiện việc nắm giữ, chi phối tài sản trên thực tế vừa thực hiện chiếm hữu tài sản về mặt pháp lý.

Ngược lại, chủ thể thực hiện việc chiếm hữu gián tiếp thì chỉ thực hiện chiếm hữu về mặt pháp lý, còn trên thực tế việc nắm giữ, chi phối tài sản thì giao cho chủ thể khác thực hiện.

Người thực hiện việc chiếm hữu công khai là chủ thể không phải chủ sở hữu của tài sản. Điều đó có nghĩa là họ chiếm hữu không phải về mặt pháp lý, mà chủ thể này tiến hành chiếm hữu công khai nhằm để tất cả mọi người đều biết về việc họ đang chiếm hữu tài sản cũng như các tính năng, công dụng của tài sản.
Điều kiện chiếm hữu
  • Thứ nhất, việc chiếm hữu diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định
  • Thứ hai, trong khoảng thời gian này không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc nếu có thì tranh chấp đó chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tại Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác.
  •  Thứ nhất, việc chiếm hữu phải minh bạch, không giấu diếm
  • Thứ hai, các chủ thể khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền chiếm hữu của các chủ thể này
  • Thứ ba, chủ thể chiếm hữu tài sản được sử dụng theo tính năng, công dụng, đặc điểm của tài sản
  • Thứ tư, trong quá trình chiếm hữu, người chiếm hữu luôn ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản để duy trì tình trạng, công năng cho tài sản.

4. Xác lập quyền sở hữu đối với chiếm hữu tài sản liên tục, công khai

Theo quy định tại Điều 236, việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ như sau:

“Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Như vậy thời đối với việc chiếm hữu ngay tình, liên tục công khai thì sẽ áp dụng thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản. Lúc này chủ thể đang chiếm hữu tài sản sẽ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản đó.

5. Bảo vệ việc chiếm hữu

Theo quy định của pháp luật, trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.

Trên đây là những phân tích về “Phân biệt chiếm hữu liên tục và chiếm hữu công khai.” Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon