Ly hôn giả tạo là gì? Hậu quả pháp lý của việc ly hôn giả tạo

ly-hon-gia-tao-la-gi-hau-qua-phap-ly-cua-viec-ly-hon-gia-tao

Việc kết hôn, ly hôn là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận. Nhưng có một số trường hợp lợi dụng việc ly hôn nhằm đạt được mục đích cá nhân. Đó cũng là một trong những trường hợp bị pháp luật điều chỉnh. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này và hậu quả pháp lý của nó.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;             
  • Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định 112/2020/NĐ-CP;

1. Ly hôn là gì?

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.”

Như vậy có thể hiểu, khi bản án, quyết định ly hôn của Toà án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt. Chỉ khi vợ, chồng yêu cầu ly hôn và được Toà án xem xét, giải quyết thông qua bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ chồng cũng chấm dứt vào thời điểm bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực. Tuy pháp luật quy định rõ ràng như thế nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều người cho rằng quan hệ vợ chồng đã chấm dứt tại thời điểm vợ, chồng quyết định ly thân vì để đưa ra được quyết định này thì cả hai bên đã không còn tình cảm với nhau nữa nên quan hệ vợ chồng cũng sẽ được chấm dứt theo. Nhưng pháp luật không hề quy định ly thân sẽ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Và cho đén hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc phải ly thân trước khi ly hôn.

Ly hôn tiếng Anh là Divorce.

Ly hôn giả tạo: Fake divorce

Một số từ vựng tiếng Anh liên quan đến ly hôn:

Ex-wife: Vợ cũ.

Ex-husband: Chồng cũ.

Celibacy: Cảnh độc thân.

Separation: Cuộc ly thân.

Marriage certificate: Giấy đăng ký kết hôn.

Matrimony: Hôn nhân.

Stepchild: Con riêng.

2. Ly hôn giả tạo là gì?

Theo như quy định nêu trên, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân khi tình trạng gia đình xuống cấp trầm trọng, cuộc sống gia đình không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không còn được giữ vững nữa. Toà án sẽ căn cứ vào tình trạng của hôn nhân xem đã trầm trọng hay chưa để có thể ra phán quyết chấp nhận cho ly hôn, trừ trường hợp đôi bên thuận tình ly hôn.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp ly hôn không phải vì tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể duy trì mà vì một mục đích nào đó khác. Trường hợp này được gọi là ly hôn giả tạo. Được quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

 “15. Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”

Đối với trường hợp này, ly hôn giả tạo là việc chấm dứt hôn nhân nhưng không phải vì mâu thuẫn không thể hàn gắn hay vợ chồng không còn yêu thương nhau, không thể cùng nhau xây dựng phát triển gia đình nữa. Trên thực tế, rất khó khăn để xác định việc ly hôn có phải ly hôn giả tạo hay không. Vì mặc dù có thể mục đích ly hôn là giả tạo nhưng khi có bản án, quyết định của Toà về việc ly hôn đã có hiệu lực thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng cũng chấm dứt.

3. Mục đích của ly hôn giả tạo

Việc ly hôn này không được diễn ra theo những lí do được pháp luật chấp nhận thông thường mà nhằm vào mục đích khác như:

– Trốn tránh nghĩa vụ tài sản

– Vi phạm chính sách, pháp luật về dân số: Vợ, chồng vì muốn sinh con thứ ba nên quyết định ly hôn giả tạo

– Ly hôn giả tạo để đạt mục đích khác không nhằm chấm dứt hôn nhân: Ví dụ việc lợi dụng ly hôn nhằm xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động…

4. Ly hôn giả tạo – vi phạm pháp luật

Ly hôn giả tạo là một trong các trường hợp được quy định là hành vi bị cấm tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

“2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo…”

Chính vì vậy, đây được xem là một hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Luật này cũng quy định mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Ly hôn giả tạo không những vi phạm quy định pháp luật mà còn xâm phạm trật tự quản lý xã hội và chế độ hôn nhân gia đình của pháp luật Việt Nam. Vì thế, việc pháp luật cấm ly hôn giả tạo là hoàn toàn hợp lý.

5. Hậu quả pháp lý của việc ly hôn giả tạo

Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ly hôn giả tạo như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”

Có thể thấy, tương tự mức xử phạt đối với hành vi kết hôn giả toạ, hành vi ly hôn giả tạo cũng có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng khi có đủ các căn cứ chứng minh việc ly hôn không nhằm mục đích để chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng.

Việc ly hôn giả tạo sẽ không được đảm bảo về mặt tài sản sau hôn nhân nếu xảy ra tranh chấp theo các quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc ly hôn giả tạo để kết hôn với chồng nước ngoài nhằm được bảo lãnh gia đình xuất ngoại. Trường hợp này có khá nhiều phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân, và xác suất xảy ra rủi ro rất cao liên quan đến việc người bị lợi dụng kết hôn để xuất ngoại không chịu ly hôn, hay các vấn đề giấy tờ, tài sản khi có tranh chấp cũng không được pháp luật đảm bảo.

Bên cạnh đó, nếu cán bộ, công chức, viên chứ là người có hành vi ly hôn giả tạo, sẽ bị áp dụng thêm hình thức kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức như sau: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc,… tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, tái phạm.

Ngoài ra, nếu người vi phạm là đảng viên thì sẽ xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm theo quy định tại Điều 24 Quy định số 102-QĐ/TW, tuỳ vào từng trường hợp, mức độ, hậu quả vi phạm mà đảng viên có hành vi ly hôn trái pháp luật có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ.

6. Thẩm quyền xử phạt hành vi ly hôn giả tạo

Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là công chức tư pháp – hộ tích cấp xã được quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 82/2020/NĐ-CP

Còn với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với ly hôn giả tạo là chủ tích Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình lên đến 30.000.000 đồng.

7. Ví dụ ly hôn giả tạo

Anh T và chị Y kết hôn và đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cuộc sống xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau một thời gian làm ăn nhưng không có dư lại thêm nhiều nợ hơn nữa. Nợ càng ngày càng nhiều, anh T và chị Y quyết định thoả thuận ly hôn để chị Y cưới anh Jonh – quốc tịch Anh với mục đích được xuất ngoại, ra nước ngoài làm ăn lấy tiền trả nợ. Và hai bên cũng thoả thuận rất rõ với nhau sau khi trả hết được nợ sẽ quay về với nhau. Tất cả thoả thuận của hai bên được làm thành một bản cam kết có chữ ký đôi bên. Quá trình thoả thuận bằng miệng và bằng văn bản của hai bên bị chính em ruột phát hiện và chụp hình lại. Sau đó, vì thấy hành vi của anh chị mình là trái quy định pháp luật nên người em đã báo cáo, giao nộp bản sao giấy cam kết (bản chụp hình) cho cơ quan có thẩm quyền. Sau khi được trình báo và có đủ bằng chứng, cơ quan có thẩm quyền đã có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi của anh T và chị Y.

Ly hôn giả tạo được xuất phát từ những ý định mang tính lừa dối nhưng hậu quả đối với chủ thể các bên lại là thật. Không phải cặp đôi nào có mong muốn ly hôn giả tạo cũng có thể trót lọt vượt qua. Có nhiều người “may mắn” lọt qua được kẻ hở của pháp luật nhưng cuối cùng vẫn không thể đạt được mục đích ban đầu mà mình muốn. Ly hôn giả tạo nhưng hậu quả pháp lý cũng như ly hôn thật. Quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ chồng sẽ chấm dứt. Đồng thời, pháp luật cũng không thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đôi bên nếu đã ly hôn dù cho ly hôn thật hay ly hôn giả tạo.

Ly hôn là biện pháp cuối cùng đối với những cuộc hôn nhân không thể hàn gắn, không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, nhiều cặp đôi lựa chọn ly hôn giả tạo để mưu cầu lợi ích vật chất hay trục lợi cá nhân. Chính vì vậy, như quy định ở trên, ly hôn giả tạo được quy định là hành vi bị cấm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể các bên cũng như các biện pháp xử lý và xử phạt đối với hành vi bị cấm ấy.  

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon