Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn không chỉ được điều chỉnh ở Luật HN&GĐ bên cạnh đó còn được điều chỉnh ở Luật Hành chính. Tuy nhiên, Luật Hành chính chỉ điều chỉnh các trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng trái pháp luật bởi hậu quả của nó ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Một số văn bản đã điều chỉnh và xử lý vấn đề này.
1. Cách thức xử lý theo pháp luật Hành chính
Trước đó Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định 110/2013/NĐ-CP) tại có quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác
b) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”
Mức phạt trên còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Hiện nay tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; HN&GĐ; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…..b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;…
2. Phạt tiền từ 000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;…”.
Nếu như văn bản trước đó mức phạt còn rất nhẹ và nhà làm luật cũng chỉ dừng lại ở mức quy định chung sống như vợ chồng khi một hoặc cả hai bên đang có vợ có chồng. Tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã nâng mức phạt lên cao hơn và đã liệt kê khá đầy đủ các trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Quy định này đảm bảo sự thống nhất với Luật HN&GĐ hiện hành và đảm bảo không tạo lỗ hổng của luật khi Luật HN&GĐ chỉ nêu ra được các trường hợp cấm chung sống như vợ chồng (nếu vi phạm thì sẽ là trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật) nhưng lại không quy định bất kì chế tài nào. Mặc dù mức xử phạt tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã cao hơn nhiều nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm này.
Vì tính chất phức tạp và tiêu cực của chung sống như vợ chồng nên riêng đối với trường hợp là Đảng viên bị xử lý nghiêm khắc. Theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về quy định những điều Đảng viên không được làm bao gồm hành vi chung sống như vợ chồng với người khác 142. Hành vi vi phạm ở đây được hiểu cả hai bên chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. Căn cứ Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 quy định về kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm được quy định như sau: “Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách;….
+ Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng.…”
Trường hợp đã kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ143. Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:
– 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.
– 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
– Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.”
2. Các thức xử lý theo pháp luật Hình sự
Không chỉ giải quyết ở mức độ hành chính, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn còn được giải quyết theo Luật Hình. Theo đó, Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm về chế độ một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Theo hướng dẫn tại Mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự của Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC) ban hành, thì hành vi “chung sống như vợ chồng”: là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Qua trên ta thấy, hành vi chung sống như vợ chồng theo luật Hình sự được tiếp cận và giải thích hẹp hơn so với luật Hôn nhân gia đình chỉ bao gồm trường hợp một bên hoặc cả hai bên đang trong mối quan hệ hôn nhân hợp pháp mà lại chung sống như vợ chồng. Còn các trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật còn lại hiện chỉ điều chỉnh và xử lý ở mức độ hành chính như đã nêu ở phần trên mà luật Hình sự không điều chỉnh.
Cũng theo hướng dẫn tại Mục 3.2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP- BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp:
– Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng, như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…
– Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong Điều 147 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính (theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính), mà lại thực hiện chính hành vi đó, hoặc thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong điều luật.
Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình Sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội của mình khi đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (khoản 2).
Bên cạnh đó, nếu giao cấu với người mà biết người đó là anh chị em cùng cha mẹ; cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, hoặc người đó cùng dòng máu về trực hệ thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”
Tội loạn luân được xác định là tội phạm hoàn thành kể từ khi hai người nam và nữ có cùng dòng máu trực hệ thực hiện hành vi giao cấu. Hậu quả của hành vi loạn luân không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội này. Trường hợp có hành vi giao cấu giữa con nuôi với cha mẹ nuôi; cháu nuôi đối với ông bà nội ngoại; cha chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; cha dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng thì không cấu thành tội này.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phái xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu hành vi giao cấu giữa những người trên là thuận tình nhưng lại thực hiện hành vi giao cấu đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em chứ không phải tội loạn luân. (điểm c khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015),
Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015); nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015); trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điểu 142 Bộ luật Hình sự 2015).
Tuy nhiên, nhận thấy rằng tội loạn luân không bao gồm hết các trường hợp chung sống như vợ chồng cận huyết thống. Bởi vì, người phạm tội loạn luân là người có hành vi giao cấu với người có dòng máu trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người có dòng máu trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại. Phạm vi chủ thể này hẹp hơn so với phạm vi cấm các chủ thể chung sống như vợ chồng (bao gồm cả những người có họ trong phạm vi ba đời) theo Luật HN&GĐ năm 2014. Như vậy, nếu những người có họ trong phạm vi ba đời chung sống như vợ chồng có quan hệ tình dục với nhau thì đây là quan hệ chung sống như vợ chồng cận huyết thống nhưng lại không cấu thành tội loạn luân.