Thời gian thử thách của án treo và những vấn đề pháp lý liên quan

thoi-gian-thu-thach-cua-an-treo-va-nhung-van-de-phap-ly-lien-quan

Án treo không phải là hình phạt mà là một biện pháp nhằm thực hiện mục đích của hình phạt dưới hình thức cải tạo đặc biệt có điều kiện, bản thân người bị kết án phải cải tạo, giáo dục tại công đồng nơi cư trú, với thời gian thử thách gấp đôi thời hạn tù có thời hạn mà bản án đã tuyên. Chế định án treo thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước, của pháp luật, cũng như xã hội đối với những người ăn năn hối cải, từ đó tạo niềm tin cho người phạm tội quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, khơi gợi tính tích cực, tự giác chấp hành án, đồng thời giảm tải cho công tác giáo dục, cải tạo tập trung cũng như thuận lợi trong công tác tái hòa nhập cộng đồng sau khi họ chấp hành án xong. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về những quy định có liên quan đến chế định án treo như thời gian thử thách, hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách,…

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Nghị quyết Số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo.

1. Thời gian thử thách, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo

Về bản chất, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người đã bị kết án phạt tù không quá 3 năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định, nhằm khuyến khích họ tự giác cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo họ là nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù đã được hưởng án treo.

Thời gian thử thách và thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo được quy định cụ thể như sau:

* Thời gian thử thách:

Khoản 1 Điều 65 BLHS hiện hành quy định:

Điều 65. Án treo

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”

Điều 4 Nghị quyết Số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo cũng quy định:

Điều 4. Ấn định thời gian thử thách

“Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.”

Như vậy, khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.

* Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách:

– Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo đối với trường hợp bản án không bị kháng cáo, kháng nghị.

– Đối với những trường hợp bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng cho hưởng án treo được giải quyết như sau: 

+ Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

+ Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần sau.

– Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

2. Việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách

Trong phần quyết định của bản án cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự, cụ thể như sau:

Điều 65. Án treo

“Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Việc quy định bản án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành nhằm triệt để áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội và người buộc tội chỉ có nghĩa vụ chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật do tòa án tuyên. Vì thế nếu trong nội dung bản án không tuyên rõ hậu quả của việc cố tình vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách sẽ dẫn đến nếu người bị kết án cố tình vi phạm nghĩa vụ thì không thể buộc họ chấp hành phần hình phạt theo quy dinh tại khoản 5 Điều 65.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiền bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của BLHS.

3. Quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc phạm tội khác trước khi được hưởng án treo

Quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc phạm tội khác trước khi được hưởng án treo được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết Số 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể:

– Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của BLHS, nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

– Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đỏ và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

4. Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo

– Về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo quy định trong Điều 8 Nghị quyết Số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo, cụ thể: Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:

+ Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;

+ Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự, tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;

+ Được UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

– Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên. 

– Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu những lần tiếp theo mà họ có đủ điều kiện thì UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.

– Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện theo quy định, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.

+ Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng của nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có sáng kiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.

+ Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về những vấn đề pháp lý liên quan đến chế định án treo. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon