Chủ động thi hành án và thi hành án theo đơn yêu cầu

chu-dong-thi-hanh-an-va-thi-hanh-an-theo-don-yeu-cau

Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự (viết tắt là CQTHADS) sẽ có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với một số/một phần bản án, quyết định nhất định. Những bản án, quyết định còn lại thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể ra quyết định thi hành khi có đơn yêu cầu của đương sự.

1. Chủ động thi hành án

a) Phần bản án, quyết định do Thủ trưởng CQTHADS chủ động ra quyết định thi hành:

– Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; – Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

– Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

– Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; – Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

– Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

b) Thời hạn ra quyết định trong trường hợp chủ động thi hành án

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Riêng đối với Quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định này do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

2. Thi hành án theo đơn yêu cầu

a) Những bản án, quyết định thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự

Ngoài những phần bản án, quyết định do Thủ trưởng CQTHADS chủ động ra quyết định thi hành án thì tất cả những phần, những bản án, quyết định còn lại thì Thủ trưởng CQTHADS chỉ ra quyết định thi hành khi có đơn yêu cầu của đương sự.

Có hai loại bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị gồm: thứ nhất, bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; thứ hai, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trường hợp có nhiều người phải thực hiện nghĩa vụ liên đới thì nếu người được thi hành án yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ liên đới thi hành toàn bộ nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với người đó.

Trường hợp đương sự là người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc đương sự là pháp nhân thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của đương sự.

Trường hợp đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người giám hộ.

Trường hợp đương sự có uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được uỷ quyền

Ngoài ra, đối với bản án, quyết định của Toà hành chính, cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ trong the bản án, quyết định của Toà án. Những nội dung khác của bản án, quyết định như tuyên bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định hành chính hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên rõ các quyền và nghĩa vụ cụ thể về các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành.

Đối với các bản án, quyết định có tuyên tổng hợp hình phạt tiền trong đó có khoản tiền đã được giải quyết tại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đang được tổ chức thi hành, thì cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành án mà có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định có tuyên tổng hợp hình phạt tiền.

b) Thời hạn ra quyết định trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu

Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.

3. Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án

Trong các trường hợp sau đây thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án sẽ ra quyết định thu hồi về thi hành án, gồm (Điều 37 LTHADS):

Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền; Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;

Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn.

4. Gửi quyết định và thông báo về thi hành án

Cơ quan thi hành án dân sự khi ra quyết định về thi hành án thì quyết định này phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình thi thành án đối với vụ việc đó.

Khi Cơ quan Thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án thì quyết định này phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án để phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

– Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp do đường sá xa xôi, giao thông không thuận tiện, người được thông báo có nhiều địa chỉ liên lạc, nơi ở không cố định, thường vắng mặt ở nhà vào giờ hành chính, đương sự đang bị giam, tạm giam và các trường hợp khác mà việc thông báo trực tiếp có khó khăn thì việc thông báo được thực hiện qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm.

Trường hợp thông báo bằng diện tín, fax, email hoặc hình thức khác theo yêu cầu của người được nhận thông báo thì Chấp hành viên phải lưu vào hồ sơ thi hành án văn bản thể hiện yêu cầu, văn bản cần thông báo và văn bản thể hiện kết quả thông báo như bức điện tín, thư điện tử, báo cáo bản fax đã được gửi.

Thông bảo đối với người đang bị giam, tạm giam được thực hiện theo địa chỉ nơi người đó đang bị giam, tạm giam. Giám thị trại giam, tạm giam có trách nhiệm giao văn bản thông báo cho người được thông báo.

Trường hợp có uỷ quyền thì việc thông báo các văn bản về thi hành án được thực hiện đối với người được uỷ quyền.

Trường hợp giao thông báo qua người khác thì người thông báo phải lập biên bản ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ của người nhận thay; ngày, giờ nhận thay; quan hệ giữa họ với người được thông báo (nếu có); cam kết giao tận tay hoặc thông báo ngay cho người được thông báo. Biên bản có chữ ký của người nhận và người giao thông báo.

Nếu người được nhận thông báo từ chối hoặc cố tình không nhận thông báo thì người thông báo lập biên bản về việc từ và nêu rõ lý do có xác nhận của người làm chứng. Người được thông báo được coi là đã được thông báo hợp lệ.

Niêm yết công khai. Việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được thông báo cư trú hoặc cư trú cuối cùng và tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo. Việc xác định nơi cư trú được thực hiện theo pháp luật về cư trú.

Trường hợp niêm yết để bán đấu giá tài sản thì nơi niêm yết thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.

5. Phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án

Khoản 3 Điều 36 LTHADS quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó.

6. Xác minh điều kiện thi hành án

– Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

– Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.

Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.

Ngoài ra, xuất phát từ nguyên tắc đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự và quyền chủ động của người được thi hành án trong quá trình thi hành án, pháp luật cho phép:

Thứ nhất, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án.

Thứ hai, người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả.

 Thứ ba, trường hợp người phải thi hành án phải thi hành đồng thời cả khoản nghĩa vụ thi hành án theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự được Chấp hành viên chủ động tiến hành cho đến khi người phải thi hành án thi hành xong khoản nghĩa vụ thuộc diện chủ động.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon