Bộ luật Dân sự năm 2015 hoàn thiện quy định về các nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội, tuy nhiên việc áp dụng các quy định pháp luật về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự có những đặc thù riêng và cần cẩn trọng. Xuất phát từ đặc thù trên, việc nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là thực sự cần thiết. Nội dung bài viết nhằm làm rõ Thực tiễn áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự vào giải quyết các vụ việc dân sự.
1. Sử dụng nguyên tắc cơ bản pháp luật dân sự vào giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản
Có thể hiểu khái quát, quyền sở hữu là quyền năng của chủ thể đối với tài sản của mình, trong khi đó quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể không phải chủ sở hữu đối với tài sản của chủ thể khác, ví dụ như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Liên quan đến những quan hệ sở hữu, quan hệ tài sản mà cụ thể là quan hệ pháp luật về quyền khác đối với tài sản có nhiều vụ việc mà quy định pháp luật dân sự hiện nay chưa có quy định cụ thể, cũng chưa có án lệ để viện dẫn giải quyết tình huống này. Ví dụ: Tranh chấp về tiền phúng viếng.
Vụ án được một Toà án sơ thẩm tỉnh Quảng Ngãi thụ lý năm 2016 có nội dung: Anh em một gia đình ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi vì bất hoà phải kéo nhau ra tòa và yêu cầu tính cả chi phí ăn uống và chi phí ma chay cho cha mẹ đã khuất. Họ nộp đơn kiện nhau ngay sau ngày cha mẹ họ mất chỉ mới 1 năm. Trong vụ án được tòa án xử vào một ngày đầu năm 2016, nguyên đơn là 6 anh, chị em ruột khởi kiện bị đơn tên L là anh trai trưởng của họ. Tại phiên tòa, nguyên đơn, bị đơn không những tranh nhau di sản thừa kế, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bị đơn còn yêu cầu tính chi phí ăn uống, ma chay cho cha mẹ đã khuất. Ông L (bị đơn) yêu cầu các nguyên đơn phải trả cho mình chi phí ăn uống mà vợ chồng ông đã lo cho cha mẹ trong suốt 17 năm (từ năm 1989 đến 2006) với tổng số tiền hơn 434 triệu đồng. Theo ông L thì chi phí nuôi cha mẹ mỗi ngày mình bỏ ra là 70 nghìn đồng, trong đó nuôi cha là 30 nghìn đồng và nuôi mẹ là 40 nghìn đồng. Các nguyên đơn phản ứng quyết liệt, vì cho rằng, ông L đưa mẹ về ở với mình từ năm 2001 chứ không phải 1989 như ông trình bày. Mặc khác, tiền nuôi cha mẹ là tiền có được khi cha mẹ chuyển nhượng đất cho một số người khác, ông L cất giữ rồi chi ra chứ không phải tiền của bị đơn. Và khi cha mẹ còn sống, ông L phân công chị dâu nuôi 1 ngày, ông nuôi 2 ngày. Tiền ăn uống cho cha mẹ, mỗi ngày ông phát 8 nghìn đồng chứ không phải 70 nghìn đồng. Đến năm 2006, trước khi cha mẹ mất, ông L mới tăng lên 10 nghìn đồng. Sau khi nhận tiền từ ông L, người chị dâu đi chợ về nấu ăn tại nhà rồi mang lên cho cha mẹ ăn, ông không cho nấu ăn tại nhà ông. Ông L còn yêu cầu hoàn trả tiền mua hai huyệt mả và xây mộ cho cha mẹ 50 triệu đồng; tiền thuê xe phục vụ mai táng 350.000 đồng. Với yêu cầu này, nguyên đơn càng phản ứng dữ dội. Họ cho rằng, nguồn tiền chi phí ma chay cho cha mẹ được lấy từ tiền phúng viếng, tất cả tiền phúng viếng đều do ông L quản lý và chi. Ông L thì khăng khăng, tiền phúng viếng không đủ chi phí, ông phải bỏ tiền túi lo cho cha mẹ. 5 cây cau, 1 cây mít và 1 cây dừa trên phần đất tranh chấp cũng được bị đơn ra giá 6,5 triệu đồng[1]. Trong yêu cầu nguyên đơn và bị đơn đều đề cập đến việc giải quyết vấn đề về tiền phúng viếng. Nội dung của vụ án này đều liên quan đến câu hỏi mà nhiều vụ việc khác đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đó là: Tiền phúng viếng có phải là di sản thừa kế không? Không phải thì thuộc sở hữu của ai?
Rõ ràng với quy định về di sản thừa kế tại điều 612, BLDS năm 2015 về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại điều 221, BLDS năm 2015, điều 161 về thời điểm xác lập quyền sở hữu Toà án chỉ có thể khẳng định tiền phúng viếng không phải di sản thừa kế nhưng để trả lời cho câu hỏi tài sản này thuộc về ai thì hiện nay cần sử dụng các nguyên tắc cơ bản pháp luật dân sự để giải quyết, dó:
Một là, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền thu lý của Toà án dân sự (điều 26, BLTTDS năm 2015)
Hai là, tranh chấp này chưa có quy định pháp luật dân sự trực tiếp điều chỉnh.
Ba là, hiện tại tại Việt Nam không có án lệ hoặc không phải vùng nào cũng có tập quán để áp dụng giải quyết tranh chấp về tiền phúng viếng.
Bốn là, không biết áp dụng tương tự pháp luật với đối tượng (loại tài sản nào) cho phù hợp, do đó không thể áp dụng tương tự pháp luật.
Lúc này, Toà án chỉ có thể giải quyết vụ án dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí tự định đoạt của các bên chủ thể tham gia tang lễ, xác định xem người đến phúng viếng người chết đang hướng đến quan hệ với ai trong gia đình người đã chết để “viếng” – xác lập quyền sở hữu. Tuy nhiên cũng có nhiều quan điểm cho rằng tiền phúng viếng có tính chất gần với tiền tử tuất được điều chỉnh bởi điều 66, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng tác giả bài viết cho rằng đây vốn dĩ là hai loại tài sản được hình thành trên căn cứ xác lập quyền sở hữu khác nhau, do đó không thể áp dụng tương tự pháp luật.
2. Giải quyết các vụ việc liên quan đến trường hợp viết di chúc không cho người thừa kế phân chia di sản thừa kế.
Tình huống giả định: A để lại di chúc với nội dung di sản thừa kế sẽ không được chia cho người thừa kế mà bảo lưu tên A. Những người thừa kế của A biết chuyện và muốn khởi kiện A. Thực tế, A đang là chủ sở hữu đối với tài sản việc A viết di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, A hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn sáng suốt trong quá trình viết di chúc. Nội dung của di chúc lại rất rõ ràng là không muốn chuyển quyền sở hữu cho ai sau khi A chết nên không thể nói là không giải thích được di chúc. Do vậy, trong trường hợp này nếu thực sự phát sinh tranh chấp, Toà án có thể áp dụng nguyên tắc cơ bản để giải quyết.
3. Xác định hiệu lực của văn bản thoả thuận việc nuôi con sau khi đã có quyết định công nhận ly hôn của Toà án
Tình huống giả định: A và B là vợ chồng có hai con chung là C (6 tuổi) và D (16 tháng tuổi), tháng 8 năm 2020 ly hôn tại Toà án thành phố Hà Tĩnh, Toà án công nhận việc thuận tình ly hôn và giao C cho A (bố) nuôi, còn D cho B (mẹ nuôi); tài sản chung của vợ chồng do A và B thoả thuận ngoài toà án. Quyết định của Toà án đã sinh hiệu lực, A và B lập văn bản thoả thuận phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa vụ tài sản, tại văn bản này A thoả thuận với B cho nuôi cả C và D, văn bản thoả thuận này đã được công chứng. Tuy nhiên, B mới nuôi C được 1 tháng A lại tìm nhiều lý do để yêu cầu C về không cho B nuôi. B muốn khởi kiện yêu cầu A thực hiện theo đúng cam kết thoả thuận trong văn bản phân chia tài sản và nhường quyền nuôi con nhưng thẩm phán lại cho rằng B không khởi kiện được mà chỉ có thể yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, nhưng đương sự lại không đủ căn cứ để thực hiện yêu cầu này mà chỉ muốn yêu cầu Toà án buộc A thực hiện đúng cam kết trong văn bản.
Đây cũng là một tình huống không thể áp dụng quy định pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật để giải quyết tranh chấp mà chỉ có thể áp dụng nguyên tắc thiện chí, tôn trọng sự thoả thuận của các bên chủ thể để giải quyết. Theo đó, Toà án cần cân nhắc xác lập quyền nuôi con hậu ly hôn theo thoả thuận của cặp vợ chồng A, B.
4. Nhận xét chung
Thực tế cho thấy Toà án được quyền áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự vào giải quyết các vụ việc dân sự nhưng thực tế tổng hợp rất ít số liệu thống kê hoạt động áp dụng nguyên tắc cơ bản vào giải quyết các vụ việc dân sự. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân do:
Một là, nguyên tắc mang tính khái quát cao do đó việc áp dụng nguyên tắc thường phát sinh nhiều quan điểm trái chiều, có nhiều vụ án mà việc phân định tính chất tương tự với không tương tự không dễ dàng. Lựa chọn áp dụng tương tự pháp luật hay áp dụng nguyên tắc cơ bản cũng vì thế mà trở nên khó khăn.
Hai là, nguyên tắc cơ bản là công cụ định hướng nội dung quy phạm điều chỉnh nhưng rất nhiều vụ việc đương sự yêu cầu Toà án viện dẫn nội dung trực tiếp điều chỉnh quan hệ đang tranh chấp mà không chấp nhận quy định dạng khái quát, lúc này đòi hỏi người thẩm phán phụ trách vụ án phải thực sự am hiểu pháp luật và có kỹ năng áp dụng nguyên tắc cơ bản pháp luật dân sự để đương sự hiểu và tránh việc phản ứng tiêu cực.
Trên đây là một vài nội dung sơ lược về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và áp dụng nguyên tắc cơ bản vào giải quyết các vụ việc dân sự. Bài viết đã phân tích nguyên nhân, thủ tục, điều kiện áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự có liên hệ với các vụ án thực tiễn. Tuy nhiên, do việc tiếp cận các vụ việc còn hạn chế, bài viết không tránh khỏi những tồn tại, thiếu xót. Vì vậy, tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên phản biện, các quý độc giả của bài viết.
[1] Xem: Ái Kiều, Báo điện tử tỉnh Quảng Ngãi, “Khi đồng tiền che lấp tình thân (kỳ 2)”.