Quan hệ tài sản giữa vợ, chồng là quan hệ tài sản gắn liền với nhân thân, tồn tại trong thời kì hôn nhân. Trong đời sống vợ chồng, tài sản chung của vợ chồng không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu đời sống chung của gia đình, đáp ứng các nhu cầu của vợ chồng mà còn tham gia vào các giao dịch kinh tế, thương mại, dân sự trên thị trường. Vậy, tài sản chung của vợ chồng gồm những loại tài sản nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
1. Tài sản là gì? Tài sản chung của vợ chồng là gì?
1.1. Tài sản là gì?
Điều 105 Bộ luật dân sự quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”
* Vật
– Những vật ở thế giới khách quan muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn các điều kiện sau:
+ Là bộ phận của thế giới vật chất;
+ Con người chiếm hữu được;
+ Mang lại lợi ích cho chủ thể;
+ Có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
– Phân loại vật:
+ Về mối liên hệ trong công dụng: vật chính và vật phụ
+ Dựa vào sự phân chia giá trị: vật chia được và vật không chia được
+ Dựa vào đặc tính sau khi sử dụng: vật tiêu hao và vật không tiêu hao
+ Dựa vào dấu hiệu phân biệt: vật cùng loại và vật đặc định
* Tiền
Tiền được coi là tài sản trong luật dân sự là loại tiền có giá trị đang được lưu hành trên thực tế, được pháp luật thừa nhận. Tiền là công cụ thanh toán đa năng, là công cụ tích lũy tài sản và là thước đo giá trị.
* Giấy tờ có giá
– Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá tồn tại dưới các dạng như séc, cổ phiếu, tín phiếu, hồi phiếu, kỳ phiếu, công trái… giấy tờ có giá là một chứng chỉ được lập theo hình thức, trình tự luật định thể hiện quyền tài sản; giá cua giấy tờ có giá là giá trị quyền tài sản và quyền này được pháp luật bảo vệ. Với đặc điểm là có tính thanh khoản và là công cụ có thể chuyển nhượng.
– Ngoài ra giấy tờ có giá có tính thời hạn, tính có thể đưa ra yêu cầu, tính rủi ro.
– Cần lưu ý rằng các loại giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy đăng ký xe máy,… không phải là giấy tờ có giá. Những loại giấy tờ này chỉ được coi là một vật thuộc sở hữu của người đứng tên trên giấy tờ đó.
* Quyền tài sản
Theo Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015 quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền tài sản trong dân sự được hiểu là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình.
1.2. Tài sản chung của vợ chồng là gì?
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Theo quy định tại Điều 213 BLDS 2015, sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Như vậy, vợ chồng có thể cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
2. Xác định tài sản chung của vợ chồng
Theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
– Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.
Về nguyên tắc, tài sản mà vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, không phân biệt công sức đóng góp và cũng không phân biệt có phải do vợ, chồng cùng trực tiếp làm ra hay không, ai làm nhiều, ai làm ít.
Căn cứ xác định thời kỳ hôn nhân là sự kiện kết hôn. Kết hôn là một hiện tượng xã hội được hình thành do có sự liên kết giữa nam và nữ trên cở sở tự nguyện, bình đẳng tuân thủ các điều kiện kết hôn do luật định và được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hôn nhân là căn cứ để xác định định quyền sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng đối với tài sản chung. Hôn nhân làm phát sinh quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, đó là tiền đề của quan hệ tài sản chung của vợ chồng.
– Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thu nhập của vợ chồng thuộc khối tài sản chung là những lợi ích vật chất mà vợ, chồng có được do tham gia lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông thường tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều được xác định là tài sản chung của vợ, chồng.
Những tài sản đó có thể là do vợ và chồng cùng trực tiếp lao động, hoặc do một trong hai bên trực tiếp lao động để tạo ra sản phẩm, sản phẩm đó có thể dùng để phục vụ gia đình hoặc đem mua bán, trao đổi. Thông qua sức lao động của vợ, chồng được thể hiện dưới các hình thức khác nhau để tạo ra nguồn thu nhập, tạo ra tài sản trong gia đình, dù các tài sản đó được hình thành dưới bất kỳ hình thức nào, nếu đó là kết quả của lao động hợp pháp, đều được công nhận là tài sản chung của vợ chồng.
– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng.
Hoa lợi và lợi tức đều là những tài sản được phát sinh (hay thu được) từ một tài sản khác (gọi là tài sản gốc). Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại, ví dụ, trứng do gia cầm đẻ ra, hoa màu có được khi trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, hoa quả có được khi trồng cây ăn trái… Ngay sau khi hoa lợi được tách khỏi vật, hoa lợi trở thành vật độc lập. Từ thời điểm đó, hoa lợi thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu vật.
Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Thông thường, lợi tức được tính thành một số tiền nhất định, ví dụ, khoản tiền có được cho từ việc cho thuê nhà.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật HN&GĐ năm 2014:
“1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”.
Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, cần phải phân biệt nguồn gốc tài sản riêng của vợ, chồng để có thể xác định chính xác phần hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng.
– Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Thu nhập hợp pháp được hiểu là những khoản thu nhập phát sinh trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng hoặc cả 2 người được pháp luật thừa nhận thuộc quyền sở hữu của người đó theo quy định của pháp luật. Các thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng thường có tính chất bất ngờ, có được không do lao động trực tiếp của vợ chồng mà do quy định của pháp luật. Thu nhập hợp pháp khác phải phát sinh trong thời kỳ hôn nhân mới được xác định là tài sản chung của vợ chồng, dù chỉ một bên vợ, chồng có được tài sản đó.
Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định các khoảng thu nhập khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm các khoản như:
+ Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Nghị định này.
+ Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đổi với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung.
Vợ chồng được thừa kế chung chỉ có trong trường hợp vợ chồng là người được thừa kế theo di chúc. Trong trường hợp này phần tài sản thừa kế mà vợ chồng cùng được thừa kế chung được xác định là tài sản chung.
Nếu vợ, chồng được thừa kế theo pháp luật thì phần tài sản thừa kế được xác định là tài sản riêng của họ. Theo căn cứ xác lập quyền sở hữu do được thừa kế và các quy định về thừa kế thì nếu người có di sản thừa kế chỉ rõ trong di chúc là để lại tài sản thừa kế cho cả hai vợ chồng thừa kế chung thì đó mới được coi là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Nếu di chúc chỉ rõ là cho cả hai vợ chồng được thừa kế tài sản và lại chỉ rõ phần quyền của mỗi người thì tài sản đó thuộc sở hữu chung theo phần của hai người theo quy định của BLDS năm 2015 (không phải là sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng).
– Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Do tôn trọng ý chi của vợ chồng, xuất phát từ thực tế là cần phải có tài sản chung để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, xuất phát từ sự gắn bó tình cảm vợ chồng, vợ chồng có thể tự nguyện nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung và Luật HN&GĐ năm 2014 cũng qui định nó là tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung do thỏa thuận này có thể là tài sản riêng có được trước khi kết hôn, cũng có thể là tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, cũng có thể là tài sản riêng do chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Với những tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn hoặc những tài sản là tài sản riêng do chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, có chữ kí của cả vợ và chồng, một số trường hợp pháp luật qui định thì văn bản đó phải được công chứng chứng thực. Việc thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về tài sản thì sẽ bị vô hiệu.
– Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Khoản 1 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chúng trừ trường hợp sự hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Quyền sử dụng đất là một tấn sản có giá trị lớn. Đối với các cặp vợ chồng thì việc có được mảnh đất xây dựng nhà ở, làm ăn sinh sống là hết sức cần thiết. Việc xác định tài sản chung là quyền sử dụng đất của vợ và chồng rất quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi cho vợ, chồng cũng như người thứ ba có liên quan.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ một số nội dung về tài sản là gì, tài sản chung của vợ chồng gồm những tài sản nào. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.